6 lý do bạn nên có thêm nhiều nguồn thu nhập

Giá cả thì càng ngày càng đắt đỏ, lương chưa về, ví lép kẹp, nhìn tờ hóa đơn mà như nhìn bùa chú. Trong đầu bạn trăn trở: “Kiếm tiền!” Vậy thì chúng ta bàn về kiếm tiền.

Tăng thu nhập sẽ giúp bạn tự do hơn về tâm lý lẫn đời sống

Tăng thu nhập sẽ giúp bạn tự do hơn về tâm lý lẫn đời sống

Đọc xong bài viết này, bạn hãy đặt cho mình một thử thách: Hãy kiếm thêm 1 triệu/tháng. Số tiền này không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ, nó là một hạt mầm. Khi bạn đã kiếm thêm được 1 triệu/ tháng, thì bạn biết rằng mình có khả năng kiếm được thêm 2 triệu, 5 triệu, hay 10 triệu nữa.

1. Tại sao bạn nên có nhiều nguồn thu nhập?

Rất đơn giản: chỉ có một nguồn thu nhập thôi không đủ bảo đảm cuộc sống kinh tế của bạn. Hãy cứ nhìn vào sự khủng hoảng kinh tế, tài chính thất thoát, biến động thị trường, lạm phát, cắt giảm biên chế, giá cả leo thang, nhu cầu sống tăng cao... là rõ.

Nhìn từ vĩ mô, nhiều nguồn thu nhập đang là một trong những chiến lược tài chính mà nhiều doanh nghiệp áp dụng. Cocacola sở hữu 450 thương hiệu khắp thế giới. Taxi Mai Linh đa dạng hóa nguồn thu: du lịch, taxi, giáo dục… Tập đoàn điện lực nước nhà là điển hình của việc “không gửi tất cả trứng vào một giỏ”. Đến giàu có và nổi tiếng như Beyonce cũng đầu tư kiếm tiền thêm từ thời trang, mỹ phẩm và nước hoa.

Vậy tại sao bạn không ứng dụng chiến lược nhiều nguồn thu nhập vào tài chính cá nhân để vỗ béo cái ví, nghe tiếng ngân hàng báo ting ting hàng ngày?

Nếu bạn còn băn khoăn, thì dưới đây tôi xin đưa ra những lý do vô cùng chính đáng.

2. An Toàn

Nếu bạn nghĩ mình đang có một công việc ổn định, thoải mái, thử vắt tay lên trán và nghĩ đến những tình huống “bi đát như phim Hàn” nhưng hoàn toàn có thể xảy ra:

- Công ty thua lỗ, nợ lương nhân viên. Khi nợ không trả được, buộc phải thanh trừng nội bộ, cắt giảm nhân lực.

- Nếu ai đó sẵn sàng làm việc tốt, chăm chỉ hơn, nghe lời hơn, với giá rẻ hơn của bạn (và thế hệ trẻ máu lửa ngày nay rất nhiều) thì cái ghế của bạn cũng lung lay hơi nhiều.

- Bạn lỡ tay, lỡ chân, lỡ miệng tạo “phốt” to không kiểm soát được. Trừ lương đã đành, có khi còn bị đuổi việc.

- Dù bạn là chủ doanh nghiệp đi chăng nữa, khả năng bị dẫm đạp trên thị trường đến phá sản không phải là nhỏ.

- Bạn đột nhiên có thể bị ốm nặng, xe tông, lũ cuốn, đá đè, bị đánh ghen tạt axit, mất trí nhớ, ung thư giai đoạn cuối,……

- Vân vân và vân vân.

Nếu những trường hợp trên xảy ra, bạn sẽ mất 100% thu nhập, sẽ phải lao đao đi rút tiết kiệm, đi vay tiền, đi tìm công việc mới. Chỉ nghĩ đến thôi đã ngủ không ngon rồi, phải không?

Có nhiều nguồn thu nhập sẽ bảo vệ và giúp bạn phản kháng lại cái sự xô đi đẩy lại của cuộc đời. Thay vì phải quỵ luỵ, lệ thuộc vào nó, bạn có thể bình tĩnh gật đầu một cái và nói: “Được rồi. Tiếp theo”

3. Giới Hạn Tiết Kiệm và Vô Hạn Thu Nhập

Cuộc sống tài chính của bạn có 2 sàn và 1 nóc:

- Sàn 1: Mức tối thiểu của tiết kiệm

- Nóc 1: Mức tối đa của tiết kiệm

- Sàn 2: Mức tối thiểu của thu nhập

- Và KHÔNG có giới hạn cho nguồn thu của bạn.

Bạn có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đi chơi nhưng có một mức sàn cho sự tằn tiện. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu bạn kiếm được nhiều tiền mà chẳng dùng đến nó. Hãy chi tiêu một cách hợp lý, không vung tay quá trán nhưng cũng không tự dùng khổ nhục kế không để làm gì.

Thu nhập thì khác. Bạn đang có một khoảng thu nhập và khi nào bạn còn học hỏi và phát triển, thu nhập của bạn vẫn có thể tiếp tục tăng và tăng. Tăng thu nhập sẽ giúp bạn tự do hơn về tâm lý lẫn đời sống. Người duy nhất có thể cố định khoảng thu nhập của bạn là chính bạn.

4. Lũy Tích và Bội Thu Thu Nhập

Có nhiều nguồn thu nhập không có nghĩa là bạn đang ôm một mớ bòng bong, muốn làm gì thì làm. Mỗi nguồn thành công của bạn đi kèm một kỹ năng thành thục. Kỹ năng này cộng dồn lại giúp bạn kiếm thêm một công việc có mức thu nhập cao hơn. Đây là hiệu ứng tích lũy và bội thu: các kỹ năng bạn học được từ công việc trước sẽ cộng dồn lại để tạo ra công việc có trị giá cao hơn.

Ví dụ: Viết báo giúp bạn kiếm 1.000.000VNĐ. Hồ sơ từ việc viết báo giúp bạn dễ dàng được tín nhiệm dịch thuật khoảng 2.000.000 VNĐ. Kết hợp với sự trung thực, kiến thức kinh doanh và kỹ năng vi tính trung cấp, bạn làm trợ lý với mức 6.000.000VNĐ. Học thêm phát triển website và Internet Marketing, bạn dễ dàng đẩy nguồn thu nhập lên vài con số nữa. Việc sau trả lương cao hơn việc trước, hoặc làm ít thời gian hơn việc trước.

Giống như khi khách hàng mua món A cũng hay mua món B, ai mua TV cũng lắp truyền hình cáp và đầu DVD, bạn có thể tăng thu nhập đáng kể nhờ có nhiều kỹ năng đa dạng hoặc tăng lương trong công việc hiện tại.

5. Số Ít Lợi Lớn Vs Số Nhiều Vặt Vãnh

Trong thời gian làm việc mỗi ngày, bạn sẽ muốn tập trung vào số ít việc quan trọng mang lại thu nhập tốt và bỏ qua số nhiều vặt vãnh.

Nếu công việc từ mảng A, mảng B này tạo ra đến 80% thu nhập của bạn, bạn sẽ dành thời gian phát triển chúng nhiều hơn nữa - trong khi từ từ loại bỏ mảng C không đem lại điều gì đáng kể. Bên thuê có đột ngột chấm dứt hợp đồng cũng không làm bạn đập đầu vào tường hay hốt hoảng đi kiếm việc mới.

Hãy nhớ, hãy tạo nhiều nguồn thu nhập một cách thông minh, không phải là ngày càng tăng thêm việc mà ngày càng giảm bớt đi những công việc ít hứng thú, ít sáng tạo, ít thông minh, ít lợi nhuận. Có như vậy bạn mới có thể làm được những công việc có ý nghĩa lớn lao cho mình và người khác.

6. Tự Động Hóa Nguồn Thu Nhập

Khó nhất là có được công việc làm thêm đầu tiên.

Khó nhì là kiếm được việc làm thêm thứ hai.

Tiếp theo là cân đối được thời gian.

Rồi mọi thứ trở nên dễ dần đều.

Khi có nguồn thu nhập thứ 5 hay thứ 6, bạn đã biết thiết lập một hệ thống. Bạn có nhiều kỹ năng bán được, bạn biết cách nhìn ra những tiềm năng kiếm tiền. Bạn biết khi nào nên buông bỏ một nguồn thu nhập thất bát. Và đây là lúc bạn nên biết cách tăng quy mô cho dòng tiền của chính bản thân.

Tự động hóa nguồn thu của mình là mục tiêu ai bạn hướng đến nhất. Ai chẳng muốn làm ít nhưng có nhiều tiền hơn?

Có nhiều cách để tự động hóa nguồn thu. Ở phạm vi bài viết này, hãy thử Outsource (Phân Quyền).

Ví dụ (được đơn giản hóa): Bạn được trả 500.000 để dịch một văn bản. Bạn có một người em họ đang năm cuối trường đại học Ngoại Ngữ, tiếng Anh rất khá. Bạn đưa văn bản này cho em họ và hai người thỏa thuận mức giá 350.000. Bây giờ, bạn không phải ngồi dịch một văn bản nhàm chán, chỉ cần soát lại khi người em hoàn thành, mà vẫn ẵm 150.000VNĐ sau khi trừ chi phí, hợp lý quá nhỉ?

Vậy khi nào bạn nên outsource? Hãy tự hỏi mình: Bạn đã thành thục kỹ năng này chưa? Kỹ năng này có quan trọng với bạn dài lâu không? Có ai đó có thể làm tốt hơn và rẻ hơn bạn không?

CHỈ KHI NÀO cảm thấy kỹ năng của mình về một lĩnh vực đã vững hoặc bạn chả thèm quan tâm đến kỹ năng này trong tương lai, bạn có thể thoải mái outsource và phân quyền cho người khác. Công việc của bạn là ở khâu cuối: quản lý chất lượng và ra quyết định. Như vậy, 80% thời gian và công sức lẽ ra dành để thực hiện công việc đó sẽ được sử dụng để làm những thứ quan trọng hơn.

Phương thức để tự động hóa outsource thì nhiều: đào tạo người khác, tự động forward email, đưa ra hướng dẫn rõ ràng cụ thể… Nhưng điểm cuối là: tư duy như một doanh nghiệp thực thụ, bạn sẽ thu được lợi nhuận rất cao cho cuộc đời.

 

Tóm Lại: Nhiều Sông Chảy Về Mới Thành Biển

Nếu tài chính của bạn chỉ được là một dòng chảy duy nhất, ai dám chắc một ngày nào đó dòng sông này bị đá chặn ngay từ nguồn, bị khô cạn bởi hạn hán “khủng hoảng kinh tế”?

Đã đến lúc bạn xem lại nguồn thu nhập của mình. Thu nhập của bạn có an toàn? Đều đặn? Nếu một trong những nguồn bị cắt thì sao? Bạn có thể sống mà không phải làm việc trong 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng? Những kỹ năng nào bạn cần để tăng thêm thu nhập?

Theo: Phát triển cá nhân

TIN LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN